Bộ Y tế cần giải thích về 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19

26/07/2021 20:15

Việc bộ Y tế ra công văn công bố 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 và thu hồi văn bản khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi?

Phải nói rõ chứ không chỉ vài câu trong văn bản

Chỉ 2 ngày sau khi ký ban hành, sáng sớm 26/7, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký thu hồi công văn 5944 gây tranh cãi trên truyền thông và mạng xã hội từ sáng ngày 25/7, do “có một số nội dung chưa phù hợp”.

Trong văn bản 5944 về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu có đề cập nội dung:

Bộ Y tế chỉ đạo sở Y tế các tỉnh, thành phố căn cứ thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu (gồm 5 sản phẩm sát khuẩn và 12 loại thuốc y học cổ truyền) để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ điều trị cho các người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Giá thuốc tăng “chóng mặt”

Theo tìm hiểu của PV, trên các trang web bán thuốc, viên nang Kovir – giúp tăng sức đề kháng hô hấp chỉ có giá 250.000 đồng (vỉ 45 viên). Tuy nhiên, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh thông báo của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cập nhật giá mới của sản phẩm viên nang Kovir (hộp 2 vỉ x 15 viên, đóng 360 hộp/kiện) có giá 1.000.000 đồng.

Trong nội dung này, bộ Y tế đã chỉ đạo sở Y tế các tỉnh, thành phố dựa trên 12 loại thuốc y học cổ truyền mà Bộ đã công bố để lựa chọn mua sắm, đấu thầu. Nội dung này đã khiến dư luận đặt ra dấu hỏi rằng đây có phải là hình thức “chỉ định thầu” của bộ Y tế?

Liên quan đến việc bộ Y tế thu hồi công văn danh mục 12 loại thuốc y học cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19, bên hành lang Quốc hội chiều 26/7, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật ĐBQH Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, đồng thời ông cũng bày tỏ sự khó hiểu: “Trong danh mục 12 loại thuốc y học cổ truyền có cả loại là thực phẩm chức năng chứ không phải là thuốc mà cũng đưa vào danh mục điều trị, điều này cũng khó hiểu”.

Đại biểu Hoà cho rằng dư luận, đặc biệt ngành dược học đều rất băn khoăn vì sao những loại thuốc có trong danh mục của bộ Y tế cho phép nhưng lại rút lại?

“Tôi nghĩ rằng bộ Y tế cần có giải thích rõ ràng, chứ không phải chỉ nói vài câu trong công văn là có trục trặc”, đại biểu Hoà nhấn mạnh.

Sự kiện - Bộ Y tế cần giải thích về 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19

ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng bộ Y tế cần có lời giải thích rõ ràng cho dư luận.

Sơ suất trong quá trình soạn thảo?

Trong khi đó, liên quan đến thông tin về công văn số 5944/BYT-YHCT về việc “Tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu” do bộ Y tế ban hành ngày 24/7/2021 đang được dư luận quan tâm, ngày 26/7 thông tin với báo chí ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng cục Quản lý Y Dược cổ truyền cho biết: “Để tham mưu cho lãnh đạo bộ Y tế về việc sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, cục Quản lý Y Dược học cổ truyền đã nhận được sự hỗ trợ ủng hộ các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu của một số doanh nghiệp hỗ trợ trong thời gian diễn ra dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh.

Cục đã thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét, đánh giá thành phần công thức của các sản phẩm mà các công ty ủng hộ cũng như những chế phẩm của hai bệnh viện: Y học cổ truyền Bộ Công an và Y học cổ truyền Quân đội, đưa vào điều trị, hỗ trợ điều trị, chăm sóc y tế cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến của Bắc Giang cho thấy kết quả bước đầu an toàn và có hiệu quả”.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho hay sau khi công văn số 5944/BYT-YHCT được ban hành đã nhận được một số thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.

“Sau khi tiếp nhận các thông tin phản ánh và sự chỉ đạo của lãnh đạo bộ Y tế liên quan đến công văn 5944/BYT-YHTC, chúng tôi đã rà soát lại nội dung. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình lãnh đạo bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo đúng quy định”, ông Nguyễn Thế Thịnh cho biết.

Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cũng khuyến cáo người dân không tự tìm mua các sản phẩm dù là thuốc nói chung hay kể cả sản phẩm y học cổ truyền vì những sản phẩm này đều phải sử dụng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Trong một diễn biến liên quan, chiều tối ngày 26/7 PV đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng cục Quản lý Y Dược cổ truyền về việc có hay không bộ Y tế “chỉ định thầu” đối với danh mục 12 loại thuốc nêu trong công văn trước đó?. Tuy nhiên ông không bắt máy.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

12 sản phẩm từ dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 theo công văn 5944 gồm:

Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên Viên nang Kovi Bạch địa căn Siro Viêm họng Siro Dưỡng âm bổ phế Siro Ngân kiều Hạnh tô Vệ khí khang Hoạt huyết Nhất Nhất Viên nang Imboot Xuyên tâm liên Viên nang Nasagast - KG.

Thanh Lam

Bạn đang đọc bài viết "Bộ Y tế cần giải thích về 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19" tại chuyên mục SỰ KIỆN. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com