Đâu là động lực đưa Thanh Hóa gia nhập 'Câu lạc bộ 50.000 tỷ'?

24/11/2022 20:31

Mục tiêu quyết liệt hiện thực hóa Nghị quyết 58/NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, giúp Thanh Hóa vươn lên trở thành cực tăng trưởng cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, hình thành tứ giác phát triển khu vực phía Bắc. Nhờ vào tiềm năng, lợi thế cùng với cơ chế chính sách đặc thù và ưu đãi thích hợp, những năm qua Thanh Hóa vẫn là một trong số cá...

FLC Faros chấm dứt hoạt động Chi nhánh Thanh Hóa

DNSE và FinPeace hợp tác nâng tầm hiệu quả đầu tư cho khách hàng

Sầm Sơn (Thanh Hóa): "Một mùa du lịch bội thu" với gần 7 triệu lượt khách

Về tiềm năng ẩn chứa, trước hết phải khẳng định Thanh Hóa sở hữu vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế chung của cả nước. Là tỉnh nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung thuộc khu vực Bắc Trung Bộ cách thủ đô Hà Nội 150km về phía Nam, cách TPHCM 1.560 km. Phía Tây Thanh Hóa giáp nước CHDCND Lào với đường biên giới 213,6km; phía Đông là Vịnh Bắc Bộ với chiều dài bờ biển 102km.

Thanh Hóa có diện tích tự nhiên đứng thứ 5 cả nước với 11.111,4km2. Toàn tỉnh có 27 đơn vị hành chính, trong đó có 2 thành phố; 2 thị xã và 23 huyện. Dân số hơn 3,71 triệu người và là tỉnh đông dân thứ 3 của cả nước sau Hà Nội và TPHCM; nguồn nhân lực dồi dào khoảng 2,26 triệu người trong độ tuổi vàng, trình độ văn hóa chuyên môn tương đối cao chiếm 60% đân số của cả tỉnh phù hợp nhiều lĩnh vực ngành nghề khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh.

Đâu là động lực đưa Thanh Hóa gia nhập 'Câu lạc bộ 50.000 tỷ'?
Hàng loạt dự án BĐS nghìn tỷ đã và đang được các Tập đoàn kinh tế lớn đầu tư về Thanh Hóa

Thanh Hóa cũng là một trong số ít các tỉnh thành ở Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng với 296 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 42 loại khác nhau, nhiều loại có trữ lượng lớn so với cả nước như: đá granit và marble (trữ lượng 2 - 3 tỷ m3), đá vôi làm xi măng (trên 370 triệu tấn), sét làm xi măng (85 triệu tấn), crôm (khoảng 21 triệu tấn), quặng sắt (2 triệu tấn), secpentin (15 triệu tấn), đôlômit (4,7 triệu tấn), ngoài ra còn có vàng sa khoáng và các loại khoáng sản khác rất cần trong lĩnh vực công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ.

Bên cạnh đó, tỉnh còn được thiên nhiên ưu đãi 102 km bờ biển và vùng lãnh hải rộng 17.000 km2, với nhiều danh lam thắng cảnh, nổi bật như bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà... đã và đang được đầu tư nhiều resort, khách sạn cao cấp. Cùng với hệ sinh thái biển tỉnh Thanh Hóa còn là nơi có nhiều hang động và các danh lam thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, như: Thác mây, hang Con Moong, động Trường Lâm, động Tiên Sơn, hang Từ Thức, thác Mahao, thác Bảy tầng, vườn quốc gia Bến En, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên... suối cá thần Cẩm Lương là một di sản thiên nhiên “độc nhất vô nhị”..

Về hạ tầng giao thông ngoài các tuyến giao thông huyết mạch như QL 1A, đường sắt Bắc -Nam, đường Hồ Chí Minh, Cảng Hàng không Thọ Xuân, Cảng nước sâu Nghi Sơn, năng lực khai thác hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 DWT.

Không những thế dự án cao tốc Bắc - Nam Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa sắp hoàn thành sẽ tác động tích cực, to lớn đến sự phát triển kinh tế và du lịch của Thanh Hóa trong tương lai gần.

Đâu là động lực đưa Thanh Hóa gia nhập 'Câu lạc bộ 50.000 tỷ'?
Thanh Hóa còn được thiên nhiên ưu đãi 102 km bờ biển và vùng lãnh hải rộng 17.000 km2, với nhiều danh lam thắng cảnh, nổi bật như bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà... đã và đang được đầu tư nhiều resort, khách sạn cao cấp và các danh lam thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng thuận lợi phát triển du lịch

Đối với lĩnh vực công nghiệp Thanh Hóa có Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha và 8 Khu công nghiệp đang hoạt động gồm: KCN Lễ Môn, Đình Hương - Tây Bắc Ga, Bỉm Sơn, Hoàng Long, Lam Sơn - Sao Vàng, Ngọc Lặc, Bãi Trành và Thạch Quảng là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các Tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước.

Riêng Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư tại đây như: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 - 2, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn... Tính đến cuối tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có thêm 39 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập mới, với tổng diện tích 1.447,39 ha là cơ hội môi trường đầu tư.

Song song với quy hoạch phát triển các Khu KT, KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa sẽ phát triển thêm Khu KT Cửa khẩu Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn và 2 KCN đô thị - dịch vụ phía Tây và phía Bắc TP Thanh Hóa. Trong đó, khu phía Bắc TP Thanh Hóa có diện tích 800 ha, mục tiêu phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, hướng đến nền “công nghiệp 4.0”. Còn khu phía Tây TP Thanh Hóa quy hoạch tổng diện tích 1.200 ha, bao gồm 900 ha phát triển KCN còn lại là khu đô thị, khu công cộng.

Đâu là động lực đưa Thanh Hóa gia nhập 'Câu lạc bộ 50.000 tỷ'?
Tứ Sơn được xem là 4 vùng kinh tế trọng điểm của Thanh Hóa và tương lai không xa "Tứ sơn" sẽ xứng danh là những đầu tàu về phát triển kinh tế

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh hình thành tứ giác phát triển khu vực phía Bắc theo Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 13/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hoá.

Theo đó, tỉnh Thanh Hoá sẽ đảm bảo cho nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi cao nhất theo quy định khi triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa. Ngày 26/10/2021 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4239/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan.

Tại Hội nghị họp bàn xúc tiến đầu tư ngày 9/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn kết luận: công tác xúc tiến đầu tư, được xem là nhiệm vụ mang tính quyết định trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy Thanh Hóa phải tập trung các điều kiện tốt nhất để trở thành “đất lành”, “nam châm”, có sức hút đối với các nhà đầu tư; có sự quan tâm đặc biệt để Thanh Hóa có tính lợi thế, cạnh tranh hơn so với các địa phương khác.

Đối với một số ngành phải tập trung thu hút như: lọc hóa dầu, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, ... đối với một số ngành cần kích hoạt “bộ lọc”, chọn lựa nhà đầu tư hợp lý như lĩnh vực du lịch. Cần có sự đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, thông tin về xúc tiến đầu tư (Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh).

Theo số liệu thống kê mới nhất tại phiên họp thường kỳ ngày 25/10/2022 tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thu ngân sách Nhà nước ước đạt 43.061 tỷ đồng, bằng 145% dự toán và tăng 60% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 26.078 tỷ đồng, bằng 140% dự toán và tăng 48% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 16.983 tỷ đồng, bằng 154% dự toán, tăng 82% so với cùng kỳ.

Bạn đang đọc bài viết "Đâu là động lực đưa Thanh Hóa gia nhập 'Câu lạc bộ 50.000 tỷ'?" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com