Hải Phòng: Làng nghề hơn 700 năm tuổi điêu đứng vì quy hoạch “treo”

10/06/2023 12:34

Vì quy hoạch “treo” hơn 10 năm, làng nghề truyền thống điêu khắc, sơn mài Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng điêu đứng vì thiếu mặt bằng sản xuất.

Làng nghề “teo tóp”

Về thăm làng Bảo Hà ở xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, thấy thưa vắng tiếng đục đẽo thường thấy ở các làng nghề truyền thống điêu khắc, sơn mài. Trao đổi với PV Người đưa tin về thực trạng làng nghề của quê hương, ông Phạm Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng không giấu được sự chua xót: “Làng nghề truyền thống điêu khắc, sơn mài Bảo Hà có từ hơn 700 năm trước khi tổ nghề là cụ Nguyễn Công Huệ học nghề từ Trung Quốc rồi về truyền dạy cho người dân địa phương. Tác phẩm nổi tiếng nhất của làng nghề là bức tượng Linh Lang Đại vương được cụ Nguyễn Công Huệ tạc bằng gỗ, hiện thờ tại miếu Bảo Hà. Bức tượng đứng lên khi người trông coi miếu mở cửa cung Nhất và ngồi xuống khi đóng cửa.

Sự kiện - Hải Phòng: Làng nghề hơn 700 năm tuổi điêu đứng vì quy hoạch “treo”

Ông Tô Văn Hữu, thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, tạc tượng truyền thần khách hàng đặt.

Giai đoạn 1977-1983 là thời kỳ hoàng kim của làng nghề truyền thống điêu khắc, sơn mài Bảo Hà. Khi ấy, cả thôn có khoảng 200 hộ làm nghề. Sản phẩm điêu khắc, sơn mài, nhất là tượng gỗ do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Bảo Hà tạc được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Sau đó, do nhiều nguyên nhân, nhất là tốc độ đô thị hóa nhanh khiến đất dành cho sản xuất ngày càng bị thu hẹp nhường chỗ cho đất ở. Nhiều hộ ngừng sản xuất do không có mặt bằng mở xưởng. Từ 200 hộ, đến nay, còn chưa đến 50 hộ theo nghề truyền thống”.

Sản xuất thu hẹp dẫn tới hiệu quả kinh tế của nghề giảm sút. Ông Tô Văn Hữu, thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, thông tin, hiện trong số gần 50 hộ còn theo nghề, chỉ khoảng 20 hộ có doanh thu 400-500 triệu đồng/năm trở lên. Gần 30 hộ còn lại, thu nhập trung bình mỗi năm chừng 80-100 triệu đồng, cao hơn cấy lúa, trồng rau, nuôi lợn, gà… chút ít. Thu nhập thấp khiến lớp trẻ ở Bảo Hà thay vì theo nghề truyền thống cha ông truyền lại, lựa chọn đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện Vĩnh Bảo.

Trước thực trạng kể trên, để giữ nghề truyền thống cũng như bảo đảm kế sinh nhai, thời gian qua, những người làm nghề ở Bảo Hà thay đổi tự “cứu mình, cứu nghề”. Trong đó, hơn 5 năm trở lại đây, ngoài tạc tượng thờ trong chùa, miếu, đền, người làm nghề điêu khắc ở Bảo Hà còn nhận thêm công việc tạc tượng truyền thần, tạc cuốn thư, hoành phi… theo đơn đặt hàng. Tượng truyền thần loại lớn có chiều cao 47-60 cm, có giá 10-15 triệu đồng, loại nhỏ cao chừng 40-41 cm có giá 5-7 triệu đồng. Sản phẩm cuốn thư, hoành phi…, tùy độ lớn, tinh xảo, chất lượng gỗ và yêu cầu của người đặt hàng, có khi lên tới 50-70 triệu đồng/bộ. Nhờ vậy, các hộ có kinh tế “cầm hơi” tiếp tục duy trì nghề truyền thống cha ông truyền lại.

Quy hoạch “treo” hơn 10 năm

Ông Vũ Xuân Quang, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, cho biết “Để giúp các hộ làm nghề mở rộng sản xuất, qua đó giữ lửa cho làng nghề truyền thống Bảo Hà, chính quyền huyện Vĩnh Bảo yêu cầu các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp UBND xã Đồng Minh lập quy hoạch khu sản xuất tập trung với tổng diện tích hơn 9 ha.

Năm 2013, Tp.Hải Phòng phê duyệt quy hoạch giai đoạn 1 với diện tích khoảng 3 ha. Dự kiến sau khi hoàn thành, khu vực này sẽ đáp ứng nhu cầu của hơn 100 hộ làm nghề điêu khắc, sơn mài ở Bảo Hà, mỗi hộ có diện tích xưởng sản xuất lên tới hàng nghìn m2 thay vì trung bình 50-100 m2 như hiện tại”.

Sự kiện - Hải Phòng: Làng nghề hơn 700 năm tuổi điêu đứng vì quy hoạch “treo” (Hình 2).

Các hộ làm nghề "khát" mặt bằng để sản xuất trong khi quy hoạch "treo" hơn 10 năm.

Theo ông Phạm Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Đồng Minh, ngay sau khi Tp.Hải Phòng phê duyệt quy hoạch, có gần 40 hộ đăng ký mở xưởng tại khu vực sản xuất tập trung. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương eo hẹp, phương án được đưa ra là các hộ đóng góp tiền dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự kiến số tiền đóng góp lên tới cả trăm triệu đồng/hộ, nên các hộ rút lui gần hết. Vì thế, hơn 10 năm qua, quy hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy trong khi các hộ làm nghề không ngừng giảm sút, hộ còn theo nghề "khát" mặt bằng sản xuất.

Những người tâm huyết với nghề điêu khắc, sơn mài truyền thống ở Bảo Hà mong mỏi, thay vì để các hộ làm nghề đóng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng khu sản xuất tập trung, chính quyền Tp.Hải Phòng vận dụng tối đa cơ chế ưu đãi theo quy định và có cơ chế ưu đãi riêng để thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống, phát triển sản phẩm mới. Có như vậy, mới có thể “giữ lửa” cho làng nghề hơn 700 năm tuổi từng là niềm tự hào của Tp.Hải Phòng.

Thái Phan- Tân Thắng

Bạn đang đọc bài viết "Hải Phòng: Làng nghề hơn 700 năm tuổi điêu đứng vì quy hoạch “treo”" tại chuyên mục SỰ KIỆN. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com