Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng

29/09/2022 20:01

(Chinhphu.vn) - Sáng 29/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tại huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri huyện Thuỷ Nguyên đánh giá cao những thành tựu của đất nước và những đổi mới của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng thời gian qua; nhất trí với dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới.

Cử tri cũng đã nêu một số kiến nghị, như: Đề nghị Quốc hội nghiên cứu cơ chế định giá thuốc, đảm bảo cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh; hoàn thiện cơ chế đấu thầu thuốc; quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách cho đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ ngành y tế; tăng cường giám sát về bảo vệ môi trường…

Cử tri mong muốn, khi xây dựng các luật, bộ luật phải tích hợp, đồng bộ để bảo đảm giảm thủ tục hành chính, bảo đảm dễ thực thi, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)...

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vui mừng thông báo với cử tri, tình hình kinh tế-xã hội nước ta năm nay rất khả quan. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý III năm nay đạt mức 13,67%, 9 tháng tổng tăng trưởng GDP bình quân khoảng 8,83%. Nếu quý IV, chúng ta tập trung nỗ lực thì hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.

Dành thời gian trao đổi cụ thể về các vấn đề được cử tri đặt ra, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về cơ chế định giá thuốc và đấu thầu thuốc phải bảo đảm 3 yêu cầu rất quan trọng là nguồn cung; chất lượng, chống hàng giả và giá cả phải hợp lý. Quy định của Luật Dược và trong điều hành cụ thể của Chính phủ cũng đều cố gắng bảo đảm 3 nguyên tắc này.

Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Vì thế, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã giao Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt, cùng các cấp, các ngành để xử lý vấn đề này. Báo cáo gần đây nhất của Bộ Y tế cho thấy, tình trạng thiếu thuốc đã giảm và đã triển khai cơ chế đấu thầu thuốc tại Bộ Y tế", Chủ tịch Quốc hội nói.

Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ, Bộ Y tế rà soát lại các  quy định của ngành y tế. "Đấu thầu thuốc chữa bệnh thì không thể 'năm sau thấp hơn năm trước', mà phải bảo đảm chất lượng, giá cả, nguồn cung. Phải mạnh dạn sửa đổi, công khai minh bạch trong vấn đề quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 4 tới, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trong đó, Chính phủ đang đề xuất đưa thuốc vào mặt hàng Nhà nước định giá (trước đây, thuốc chỉ là mặt hàng kê khai giá) và đề xuất nhiều quy định nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm công khai, minh bạch để cán bộ vận hành theo đúng quy định, không sợ sai. Quốc hội cũng đang yêu cầu Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội về một số biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù phòng, chống dịch COVID-19 để đề xuất có tiếp tục gia hạn một số chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến thuốc hay không. Cùng với đó, sang năm, Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Dược và sẽ nghiên cứu, xây dựng luật về trang thiết bị y tế.

Về tăng tiền lương, chế độ phụ cấp cho y, bác sĩ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc dịch chuyển lao động là câu chuyện bình thường của thị trường lao động. Nhưng hiện tượng cán bộ, công chức bỏ việc tăng lên bất thường thì phải nghiên cứu xem có vấn đề gì bất thường không, nhất là về thu nhập. Quốc hội và Chính phủ đều đang đánh giá vấn đề này.

Riêng với y tế cơ sở, Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét việc tăng phụ cấp từ 40- 70%, nhưng Bộ Chính trị đã quyết định tăng lên 100%. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành nghị định để thực hiện. Sang năm, Quốc hội sẽ giám sát tối cao về hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng để đánh giá kỹ lưỡng tình hình này. Khi ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội, Quốc hội cũng đã dành 14.000 tỷ đồng cho việc tăng cường năng lực y tế cơ sở.

Liên quan đến kiến nghị của cử tri về chính sách tiền lương đối với khu vực công, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ bàn vấn đề này. Trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương được, nên chăng cũng cần điều chỉnh, tăng lương cơ sở. Mức độ, liều lượng, thời gian điều chỉnh cụ thể như thế nào Quốc hội sẽ bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách về vấn đề này.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị Trung ương 6 tới sẽ bàn để ban hành nghị quyết về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó có bàn về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam - lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 "Trong các quyết sách mình, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm. Trong xây dựng pháp luật, Quốc hội yêu cầu quyết liệt đối với Chính phủ, các bộ, ngành và cả các cơ quan của Quốc hội phải rà soát, bảo đảm tạo thuận lợi thực sự cho doanh nghiệp và người dân. Về hình thức, hệ thống pháp luật phải bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi; về nội dung, phải bảo đảm tính sát thực tiễn, kiến tạo phát triển và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế".

Chủ tịch Quốc hội nhất trí phải tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tầng nấc trung gian, tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền... Vừa qua, Quốc hội cũng đã sử dụng nhiều biện pháp để rà soát hệ thống pháp luật, trong đó đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để rà soát, bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, vướng mắc giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Tới đây, Quốc hội sẽ tăng cường hơn nữa giám sát của Quốc hội, giám sát của các cơ quan của Quốc đối với hệ thống pháp luật.

Ghi nhận kiến nghị của cử tri về việc phát triển huyện Thuỷ Nguyên thành thành phố, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là vấn đề lớn của địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa giám sát việc thực hiện các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và ban hành nghị quyết mới về tiêu chí, tiêu chuẩn đơn vị hành chính, đô thị và phân loại đơn vị hành chính, đô thị. Do đó, huyện Thuỷ Nguyên và TP. Hải Phòng cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng theo quy định tại các nghị quyết này.

Về cơ chế, thể chế thì Trung ương sẽ hỗ trợ, nhưng chính Thuỷ Nguyên phải tính toán bài toán chuyển dịch kinh tế, chuyển đổi lao động, gắn đô thị hoá với công nghiệp hoá. "Nếu không giải quyết được vấn đề này thì rất dễ rơi vào tình trạng 'vỏ đô thị, lõi nông thôn', như vậy trở thành thành phố cũng không có nhiều ý nghĩa, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo Báo Đại biểu nhân dân


Bạn đang đọc bài viết "Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng" tại chuyên mục SỰ KIỆN. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email phamvan0909@gmail.com